“Nhân bất vị kỷ, thiên địa bất dung” hiểu thế nào cho đúng?

[ 4 phút đọc]

Ta thường nghe câu “Nhân bất vị kỷ, thiên địa bất dung” và hiểu “người không vì mình thì trời tru đất diệt”. Có người cho rằng câu này có nguồn gốc từ phật giáo, nhưng làm sao nhà phật lại khuyên người ta chỉ biết sống vì mình? Cho dù có nguồn gốc tôn giáo khác thì với ý nghĩa trên cũng không hợp lý; vì trong quá trình tu hành để tiến từ Vạn Tượng về với Thái Cực các tôn giáo đều dạy con người các tiêu chuẩn đạo đức tiến bộ nhất định.

Trong quá trình tìm hiểu tôi thấy người ta viện dẫn câu: “Nhân sinh vị kỷ, thiên kinh địa nghĩa, nhân bất vị kỷ, thiên tru địa diệt”; và cho rằng đây là trích trong tập 24 kinh Phật thuyết thập thiện nghiệp. Tôi chưa có cơ hội tiếp cận nguyên bản bộ kinh này nên tìm đến với: Tập 24 “Giảng giải về Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” của Pháp sư Tịnh Không, để tham khảo. Ông đã bình về câu nói này như sau: “Đây là một câu nói sai lầm, không có chánh kiến, đã khiến rất rất nhiều người lầm lạc. Thế nào được gọi là chánh kiến? Con người nên vì xã hội, vì chúng sinh, không nên chỉ vì bản thân, đây mới là chánh tri chánh kiến”; vậy ý nghĩa câu nói trên cũng không được nhà phật ủng hộ.

Cá nhân tôi có 2 kiến giải về câu nói này. Thứ nhất: Chúng ta đã đọc sai chữ “Vị” dẫn đến ý nghĩa sai khác, hoặc, Thứ hai: Chúng ta hiểu sai ý nghĩa của từ “vị kỷ”. Sau đây tôi xin mạo muội trình bày để quý vị cùng góp ý.

Thứ nhất. Trong chữ hán có hiện tượng cùng là một chữ viết nhưng khi đọc ở các âm vị khác nhau sẽ có ý nghĩa khác nhau. Trong trường hợp câu này là ở chữ “Vị”/ “Vi”, nếu VỊ là tính từ có ý nghĩa là “vì” thì VI là động từ có nghĩa là “làm, sửa, tu sửa”. Vậy nếu đọc lại câu trên theo ý này ta có như sau: “Nhân sinh vi kỷ, thiên kinh địa nghĩa, nhân bất vi kỷ, thiên tru địa diệt” (Nghĩa là: Người biết sửa mình, đó là đạo lý trời đất, người không biết sửa mình, trời tru đất diệt). Phải chăng cách đọc này sẽ khiến điều răng có ý nghĩa phù hợp với phật giáo hơn?

Thứ hai. Chúng ta thường hiểu từ VỊ KỶ theo nghĩa thông thường là “ích kỷ, chỉ biết có mình” nên dẫn đến ý nghĩa của câu trên theo hướng tiêu cực. Tuy nhiên khi xét ý nghĩa của từ VỊ KỶ theo ý nghĩa “Là làm những điều có lợi cho mình nhưng không vi phạm đạo đức và pháp luật. Ta không cần phải mang vác việc thỏa mãn người khác để gây đau khổ cho chính mình vì không quý trọng chính bản thân ta thì cũng không thể quý trọng người khác; là khi ta sống độc lập không phụ thuộc ăn bám vào người khác; khi ta yêu cầu sự riêng tư của bản thân thì cũng sẽ chấp nhận riêng tư của người khác; ta không muốn bản thân hy sinh cho người khác nên cũng không bắt người khác hy sinh cho mình”, đó là sự VỊ KỶ tuyệt đối. Ngược lại với vị kỷ tuyệt đối là hành vi: Lấy việc thỏa mãn người khác để đi theo nhưng làm đau khổ chính mình, không chọn con đường mình cho là đúng mà chọn đường đi giống với người khác, là khi ta không thể sống độc lập mà phụ thuộc vào đánh giá phán xét của người khác để điều chỉnh hành vi, là khi ta đòi hỏi người khác phải hy sinh cho ta vì ta đã hy sinh cho họ/ kẻ khác, đó là sự ngụy nhân sinh. Với góc nhìn này, tôi cho rằng triết lỹ trên sẽ phù hợp hơn.

Khi suy xét tường tận câu “Nhân bất VỊ kỷ, thiên địa bất dung/ Nhân bất VI kỷ, thiên địa bất dung” ta sẽ tiếp nhận được đạo lý đúng đắn chứ không phải ý nghĩa “hời hợt” kiểu “Người không vì mình, trời tru đất diệt”.