Bạn đi ăn một mình, không có nghĩa là bạn cô đơn hay bị bỏ rơi

[ 9 phút đọc]

Mọi chuyện bắt đầu bằng việc con người quen với việc làm việc không thích làm việc một mình, họ thích làm với ít nhất một người khác, mới có câu ” buôn có bạn, bán có phường”. Vậy nên khi nhìn thấy một người đi ăn một mình, chúng ta không khỏi thấy kỳ lạ và xem họ thật lập dị, và thường đưa ra các phán đoán chủ qua về họ, nhưng thực tế thì sao?

Ai cũng sẽ từng có lúc đi ăn một mình. Ăn trưa vì công việc quá giờ, ăn tối vì tiện trên đường về chẳng kịp rủ ai hoặc chỉ đơn giản là muốn tự thưởng cho mình một món ngon trong dịp đặc biệt nào đó.

Nhưng không khó để bắt gặp những ánh mắt dò xét hướng về phía những kẻ ăn một mình ấy. Người ta đã quen với việc đi ăn phải có từ-2-người-trở-lên, thế nên khi nhìn thấy thế, họ thấy kỳ cục.

Tại sao lại thế? Tại vì ở cái thời đại mà người ta dường như sợ hãi nhất với sự cô đơn, việc không có người đồng hành trong mọi hoạt động trở nên thật là đáng kinh hãi. Đơn cử, bạn rất khó có thể đi xem phim một mình, tôi không thích đi làm giấy tờ mà chẳng có ai bên cạnh, cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đi chơi công viên mà chỉ có mỗi bản thân với cái bóng của chính mình. Đi đâu cũng phải có bạn, làm gì cũng phải có cạ. Dần dà, nhiều khi người ta cứ mãi duy trì một mối quan hệ độc hại với những con người không mang lại điều tốt cho cuộc đời mình, chỉ để có người “đi cùng” trong những dịp lễ, hay đơn giản nhất là đi ăn cùng.

Ngay ở nước bạn Hàn Quốc – quốc gia cực kỳ quen thuộc với chúng ta qua màn ảnh nhỏ, qua những bản nhạc trẻ mỗi ngày, họ từng rất khắt khe với việc đi ăn một mình.

Đi ăn chỉ có một mình, hoặc nói rộng ra là thoải mái quá mức với sự cô đơn, đã từng là chủ đề cấm kỵ ở xứ sở Kim Chi. Hãy đọc những câu chuyện dưới đây để hiểu hơn về điều đó.


“Một thanh niên người Hàn Quốc bước vào căng-tin trường đại học, một mình.Suốt bữa ăn, anh chỉ im lặng, thỉnh thoảng nhận được cái nhìn liếc xéo của vài sinh viên khóa trên. Họ nhìn anh bằng ánh mắt thương hại, một kẻ chẳng có ai chơi cùng. Một trong số họ đứng dậy, sang ngồi cùng với bàn với cậu sinh viên đi một mình kia như thể vừa ban phước cho anh ta vậy…”

Đây là câu chuyện được phát tình cờ trên sóng radio. Nhưng ở Hàn Quốc, những tình huống như vậy không phải hiếm gặp. Tại quốc gia nơi những người trẻ dành nhiều giờ đồng hồ để quan tâm đến ngoại hình của mình và duy trì các mối quan hệ trên yonjul (từ tiếng Hàn để chỉ mạng xã hội), thì nhiều người coi đi ăn một mình là biểu hiện của “tự sát xã hội.” Nhưng giờ đây, nó nổi lên như một xu thế, một trào lưu khiến nhiều người trẻ mê mệt.

Xuất phát từ tư tưởng “YOLO” (Cứ làm những gì bạn thích đi vì bạn chỉ sống một lần thôi) của các bạn trẻ sống ở bờ kia Thái Bình Dương, giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc làm những thứ không theo một quy tắc nào hết, không chịu sự ràng buộc từ ai. Họ thích đi ăn một mình (honbap), đi uống một mình (honsul), và cả đi du lịch một mình nữa (honhaeng).

Một trong những phương tiện truyền thông đã tạo nên cơn sốt về việc ăn uống một mình là các bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Hai bộ phim nổi tiếng với tựa đề “Drinking Solo” (tạm dịch: Uống một mình) và một show truyền hình của đài MBC “I Live Alone” (tạm dịch: Tôi sống một mình). Cả 2 bộ phim đều khắc họa cuộc sống của những người có thói quen ăn uống một mình, dù họ có những công việc khác nhau.

Nhìn những thần tượng của mình trên tivi ăn một mình, sống một mình vẫn vui khoẻ phơi phới khiến đứa trẻ nào cũng thích và muốn học theo. Hình mẫu tự lập, trưởng thành, ăn một mình và có cuộc sống hạnh phúc dường như trở nên thật lung linh tráng lệ.

Tuy hiên, đấy chỉ là trên phim ảnh, trong thực tế, việc đi ăn một mình vẫn luôn bị chỉ trích rất nhiều vì trong văn hóa Hàn Quốc – nơi đánh giá cao văn hóa nhóm, văn hóa cộng đồng, thì chuyện đi ăn một mình trở nên thật bất bình thường. Có một sự thật là người Hàn Quốc không sợ việc đi ăn một mình, mà họ sợ bị mất mặt, bị mang tiếng xấu khi người khác nhìn vào và nghĩ họ bị xã hội bỏ rơi.

Jang Hee-seok, một chàng trai 33 tuổi sống tại Seoul thường đi tới những cửa hàng tiện lợi gần văn phòng trong giờ nghỉ trưa. Jang tới đây để kiếm cho mình một bữa trưa. Giữa vô vàn các thứ đồ ăn, anh chọn cho mình một vài món đơn giản: cơm, gà, kimchi hay bất kể thứ gì đó. Sau đấy, chàng trai sẽ trở lại văn phòng, hâm nóng đồ ăn và ngồi ăn một mình ngay tại bàn làm việc. Tất cả bữa ăn chỉ hết có hơn 4,000 won (khoảng 80 nghìn đồng). Nhiều khi bận rộn, anh còn bỏ luôn bữa trưa và không ăn cho tới chiều.

Vì ngại cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội dành cho mình nếu anh cứ một mình đi ăn ngoài tiệm, dần dần anh Jang đã quen với việc ăn cơm hộp ngay tại văn phòng hoặc bỏ luôn bữa trưa.

Vậy mới thấy ở Hàn Quốc, người ta khắt khe với tính liên kết cộng đồng như thế nào.

Đó cũng là lý do để Jang không dám công khai đi ăn một mình bên ngoài. Anh không muốn bị coi là đang có vấn đề về giao tiếp xã hội.

Nhìn ở một khía cạnh khác, đi ăn một mình không chỉ là một điều cấm kỵ trong văn hóa Hàn Quốc, mà nó còn phản ánh những mặt tối của xã hội đất nước này.

Hãy cùng xem một vài con số:

– Từ năm 2010 đến 2015, số hộ gia đình với một thành viên tăng mạnh tại quốc gia này, từ 15.8 – 27,1%.

– Theo một báo cáo của bộ y tế Hàn Quốc, 55% người Hàn Quốc tuổi từ 19-64 không ăn tối với gia đình trong năm 2014.

Và bạn sẽ chẳng bất ngờ đâu nếu biết 1 trong những nguyên nhân lớn nhất “chống lưng” cho những con số ấy là do thời gian làm việc kéo dài của Hàn Quốc – chỉ xếp sau một vài nước như Nhật Bản.

Một nghiên cứu gần đây bởi tổ chức phát triển sức khỏe Hàn Quốc (KHPF) cho thấy rằng, nhiều người lao động Hàn Quốc tuổi từ 30-59 thường ăn một mình bởi vì họ muốn tiết kiệm thời gian, hay đơn giản là do không có ai để ăn cùng. Với nhóm khảo sát ở độ tuổi dưới 30, 38,7% cho biết họ ăn một mình vì không rủ được ai cùng chia sẻ bữa cơm. Trong khi đó, 21,5% thì do nguyên nhân thiếu thời gian và quá bận rộn trong công việc. Dần dần mọi người đã quen với việc một mình một mâm và chẳng thấy có vấn đề gì với điều đó.

Cô bạn thân của tôi, mỗi khi lấy lương về đều thưởng cho mình một bữa thật thịnh soạn trong nhà hàng; cứ nửa năm một lần mà thấy chán, bạn lại xách balo lên đường, khi thì Đà Lạt, lúc thì Côn Đảo, có khi lại lang thang những bản làng Tây Bắc. Trẻ trung, tự do, độc lập, cô ấy hoàn toàn có thể “honbap” hay “honhaeng” mà chẳng bao giờ phải chờ đến ai. Ngồi tâm sự với nhau, cô ấy nói.

Tuổi trẻ này đâu có được bao lâu, sống cho mình còn vội vã, việc gì phải chờ ai theo gót những con đường?“.

Cô bạn tôi không cực đoan và tôi hiểu ý của bạn: rằng mỗi người có cuộc sống riêng, còn trẻ thì cứ thỏa thích làm những điều mình thích, vẫy vùng cùng thiên hạ, miễn là trong tầm kiểm soát là được. Rồi cô ấy cắt nghĩa cho tôi những lợi ích của việc đi ăn một mình, hoàn toàn thực tế: bạn sẽ ăn theo khung giờ bạn muốn, không phải uống rượu nhiều, tập trung vào ăn, lại càng đỡ phải tốn tiền cho những bữa ăn đắt đỏ… Tinh thần hay vật chất, đi ăn một mình cũng có lợi cả.

Đôi khi, chúng ta bị bó buộc trong cảm giác thân quen, luôn có ai đó đồng hành cũng mỗi bữa ăn. Đó là những bữa trưa đi ăn phải có đồng nghiệp, là mỗi lần ăn tối không biết rủ ai thì sẽ “ngược đãi” bản thân bằng chút mì tôm hay bánh ăn vội. Đi ăn một mình không chỉ đơn thuần là câu chuyện đi ăn với ai, đó còn là việc chúng ta có dám bước ra ngoài vùng an toàn của bản thân hay không. Nghe tưởng chừng như đơn giản lắm nhưng nhiều người mãi cũng chẳng thể làm được.

Nói cách khác đơn giản, chỉ cần hãy nhìn nhận việc đi ăn một mình như sự vận động tự nhiên của tâm lý giới trẻ.

Đi ăn một mình không đồng nghĩa với cô đơn; đôi khi chúng ta cần chút thời gian để nhận ra những thứ tĩnh lặng trong cuộc sống. Tôi nghĩ rằng họ không cô đơn, chỉ là đang hẹn hò với chính bản thân mình mà thôi. Muốn yêu thế giới ngoài kia, yêu những con người xung quanh thì hẵng yêu bản thân trước; và bắt đầu bằng một bữa ăn ngon lành cho mình ta là lựa chọn không tồi.


Vậy lần tới, nếu thấy cô bạn thân đăng một bức hình lên Instagram trong một nhà hàng sang trọng, và cô ấy đi một mình, đừng để lại một bình luận thương cảm gì cả.

Vì có thể, đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất khi cô ấy đang biết sống cho bản thân mình.